Nhân dịp đọc thấy ý kiến của mọi người viết về sự chuẩn mực của người đàn ông, tôi nghĩ ngay đến bố. Đối với chúng tôi, bố là người đàn ông rất chuẩn mực. Bố có công tạo dựng nên nét văn hóa rất chuẩn mực trong gia đình. Nét văn hóa ấy đẹp đến mức chúng tôi là những người ở thế hệ trẻ chưa bao giờ muốn thay đổi nó.
Hằng năm, gia đình tôi đón tết cùng nhau tại Nha Trang. Cho dù, chúng tôi có đi xa khắp nơi để học tập, làm việc hoặc sinh sống thì chúng tôi vẫn muốn trở về với bố mẹ vào những ngày tết. Sự tự nguyện trở về của các con trẻ với gia đình là để tận hưởng những giá trị văn hóa mà bố đã tạo ra suốt mấy chục năm qua. Tôi xin chia sẻ những thói quen, tục lệ chuẩn mực rất đẹp mà bố tôi đã tạo ra cho gia đình, đó là: Tục ăn mặc, tục nói, tục gói, tục mở.
– Đầu tiên là tục ăn mặc: Theo ý bố tôi, trong ngày đầu năm, nếu chuẩn bị mọi việc tốt đẹp thì cả năm sẽ tốt đẹp. Từ đó, bố tạo cho mọi người có thói quen ăn mặc rất đặc biệt, luôn luôn phải là xiêm áo chỉnh tề trong ngày mồng một. Trai thì áo sơ mi thắt cà vạt. Gái thì áo dài thướt tha. Phải là trang phục như thế này thì mới là đúng chuẩn của bố. Cho nên, mấy chị em tôi và bố mẹ năm nào chụp ảnh lưu niệm đầu năm cũng là áo dài và áo sơ mi cà vạt như là đi hội. Và chắc chắn là bố tôi không bao giờ hài lòng với những trang phục khác trong ngày lễ gia đình thế này. Vậy nên, văn hóa mặc áo dài vẫn tồn tại trong gia đình chúng tôi như một nét đặc trưng chứ không phải là những bộ quần áo mới như thông lệ ngày tết.
– Tục nói (lời mời chuyện đầu năm): Đây là tục lệ rất riêng của gia đình mà tôi cho rằng bố đã rèn luyện chúng tôi thành công nhất. Trong ngày đầu năm, tất cả mọi lời nói của người trên, kẻ dưới trong nhà đều phải mặn mà tình cảm vui vẻ. Khi mở lời trò chuyện thì chỉ có thể là lời chúc hoặc là lời hay ý đẹp. Lúc nhỏ, chúng tôi đã phải khổ công tìm chọn câu chúc hay bỏ bụng để lúc bố mẹ yêu cầu là có câu chúc ngay. Và những câu chúc thì không được trùng lắp thì mới đạt tính thuyết phục với bố. Đến bây giờ, chúng tôi đã hình thành thói quen khó thay đổi.
– Đến tục gói (tục lệ đóng gói những bao lì xì đầu năm): Bố tôi tạo cho chúng tôi một thói quen không thể thiếu được trong ngày tết. Ai ai cũng phải đóng gói sẵn một ít bao lì xì. Người lớn chuẩn bị phong bao lì xì cho người nhỏ, người nhỏ chuẩn bị phong bao lì xì cho người nhỏ hơn. Tất cả mọi người đều có thể nhận được tiền lì xì đầu năm của bố mẹ. Tôi năm nay đã hơn 30 tuổi rồi mà bố mẹ vẫn gói gém bao lì xì mừng tuổi để gọi là cho con lấy lộc đầu năm. Dẫu là ít tiền nho nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn luôn muốn bố mẹ dành cho chút may mắn này.
– Và cuối cùng là tục mở (thói quen ăn uống của gia đình tôi): Cho dù kinh tế có lao đao thế nào thì bố luôn sẵn sàng 1 chai rượu (champagne) cho cả nhà mừng năm mới. Cả nhà tôi đều rất thích hình ảnh bố reo vui hòa chung trong âm thanh khuy chai rượu mừng ngày tết. Trong suốt 365 ngày, chúng tôi chỉ có một ngày duy nhất như thế. Dù cho chúng tôi chỉ được cùng bố mẹ nâng ly chúc mừng một lần duy nhất – một lần hiếm hoi ấy đủ để nhớ mãi suốt cả năm.
Bao nhiêu năm qua gia đình chúng tôi đều ăn tết với những tục lệ chuẩn mực của bố đặt ra. Chúng tôi hết lòng ngưỡng mộ người đàn ông đã tạo ra được một nét văn hóa rất riêng, phù hợp với tâm lý giới trẻ, muốn hòa nhập vào đời sống văn hóa gia đình. Từ bao nhiêu năm qua, chúng tôi vẫn muốn giữ nguyên nét đẹp văn hóa với đủ bốn tục lệ đặc biệt. Hy vọng rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục gìn giữ cho đến ngày sau để nó trở thành nét văn hóa chung ở những gia đình nhỏ của mấy chị em tôi. Xin gửi lời cảm ơn sự chuẩn mực và nghiêm khắc của bố đã để lại nhiều giá trị sống tốt đẹp cho chúng con trong hôm nay và mãi về sau.
Người tham dự: Đinh Thị Ngọc Vy