Trong cuộc sống thường ngày, ta sẽ tiếp xúc với nhiều mẫu người đàn ông khác nhau. Họ có thể là cha, anh, bạn bè, đồng nghiệp của ta… có thể là các mối quan hệ xã hội xung quanh ta: bác tài xế, anh bảo vệ, các chiến sĩ công an,… Ai cũng có tác phong, ngoại hình, cư xử đặc trưng và không ai giống ai. Vậy nếu đề ra một chuẩn mực chung cho người đàn ông thời nay, ta phải xem xét tới khía cạnh nào trong muôn mặt đời sống, trong vô số vai trò của họ?
Theo tôi, một người chuẩn mực là người “tròn vai” trong cuộc sống. Và tròn vai ở đây được hiểu là thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của từng vị trí mà bản thân họ đảm nhận.
Một ca sĩ tròn vai trong công việc khi anh ta có nếp sống đẹp, cháy hết mình trong từng bài hát mà anh ta thể hiện. Anh ta sẽ tròn vai người chồng, người cha khi anh ta biết lắng nghe chia sẻ công việc với vợ, phụ vợ chăm sóc con cái… ra xã hội, anh ta tròn vai công dân khi anh ta sống và tuân thủ pháp luật…
Chuẩn mực khi người đàn ông biết trau dồi những vai diễn của mình trong cuốn phim “cuộc sống”. Không để vai trò này chồng chéo, lấn áp vai trò kia. Phải phấn đấu làm tốt từng vai trò và dung hòa các mối quan hệ. Trong từng vấn đề, người đàn ông cần phải biết mình là ai, ở vị trí nào để có cách cư xử cho phù hợp.
Đó là những suy nghĩ của cá nhân tôi về “Chuẩn mực ” dành cho người đàn ông hiện nay. Và sau đây, tôi xin giới thiệu đến chương trình hình ảnh của Thầy: TS. Huỳnh Thanh Tú – Phó Trưởng Khoa Quản Trị Kinh Doanh, trường ĐH Kinh Tế – Luật TPHCM.
Thầy là người đã để lại ấn tượng sâu sắc trong quãng đời sinh viên của tôi. Mặc dù thời gian được học và tiếp xúc với Thầy không nhiều nhưng đối với sinh viên chúng tôi, Thầy là người cha thứ hai. Thầy đã gieo cho chúng tôi những “hạt mầm tri thức”, dạy cho chúng tôi những triết lý sống làm hành trang vào đời mong cho chúng tôi sống có ích và sống tốt hơn.
Trong lòng sinh viên chúng tôi, thầy đã rất “ tròn vai ” một giảng viên tận tụy với nghề, yêu thương sinh viên, luôn lắng nghe, chia sẻ giúp đỡ đồng nghiệp và không ngừng trao dồi kiến thức chuyên môn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà nhà trường phân công.
Với cái “Tâm” của người giáo viên, thầy luôn tâm huyết với nghề, không ngừng tìm tòi nghiên cứu, đưa những bài học thực tế ngoài xã hội mà thầy đã trải qua vào từng bài giảng để sinh viên dễ dàng tiếp thu và ứng dụng. Vì những chia sẻ rất chân thực của thầy mà sinh viên chúng tôi không hề “cúp” học buổi nào mà thầy đứng lớp cả. Và lớp học của thầy luôn đảm bảo duy trì sĩ số từ ngày đầu tiên đến tận ngày kết thúc môn học.
Bên cạnh đó, cái “Tài” của thầy thể hiện qua kiến thức mà chúng tôi học được từ thầy. Những tiết học của thầy luôn sinh động, rộn rã tiếng cười của cả thầy và trò. Chúng tôi học được thói quen làm việc nhóm, thói quen đúng giờ và rất nhiều điều trong môn học mà sách vở không đề cập đến.
Những chia sẻ của thầy về những triết lý trong cuộc sống thể hiện rõ hơn cái “Đức” của một nhà giáo. Thầy dạy rằng: “Con người ta không sợ mình làm sai. Quan trọng là phải biết mình sai ở đâu, biết chấp nhận và sửa sai…” Ngày cuối cùng chia tay lớp học, thầy đã chia sẽ rất nhiều cho chúng tôi về cách đối nhân xử thế và phải khẳng định rằng: chúng tôi trưởng thành hơn sau những lời dạy của thầy… Ngày chia tay ấy, cả thầy và trò đều thấy cay ở mắt. Thầy an ủi rằng: “duyên”gặp mặt giữa thầy và các em đã hết. Rồi sau này ra đời, các em sẽ có những “duyên” khác… Cái này qua đi rồi cái khác sẽ đến, đừng buồn nữa các em!”.
Dù rất buồn khi phải chia tay thầy, nhưng chúng tôi tự nhủ rằng sẽ không bao giờ quên thầy – Người thầy chuẩn mực trong lòng sinh viên.
Người tham dự: Phạm Thái Hoàng An