Gà trống nuôi con” nên người, có là chuẩn mực?

Nỗi buồn lớn nhất của những đứa con đó chính là gia đình thiếu đi cha hoặc mẹ. Tôi cũng từng buồn như thế. Nhưng, giờ đây tôi đã không còn suy nghĩ quá nhiều. Bởi tôi đã có ba tôi, một người cha gánh vác cả vai trò của một người mẹ.

Nhìn sự thành công của ba, nhìn vào những vai diễn của ba ít ai biết rằng ba đã có những chuỗi ngày không yên bình. 19 tuổi, ba đã làm chức cha. Những năm sau đó, cuộc sống gia đình tôi rạn vỡ, ba tôi phải gánh vác trên vai hai đứa con. Vừa làm cha, vừa làm mẹ cho một con trai, một con gái. Ba tôi bôn ba mưu sinh, việc gì cũng cố gắng làm để trang trải cho gia đình nhỏ. Có lần, ba gom hết số vốn ít ỏi để mở quán cà phê, nhưng ông trời không giúp, ba thất bại, trắng tay. Cứ vậy, ba lại tìm cho mình những con đường khác.

Rồi trong lần tình cờ ba gặp người quen, là một đạo diễn và may mắn được mời vào vai diễn trên phim truyền hình. Ba hạnh phúc lắm, ba quay lại với niềm đam mê đang cháy bỏng hàng ngày. Còn nhớ tối hôm đó ba trò chuyện với tôi rất nhiều, tôi có hiểu gì chuyện của người lớn đâu chứ. Nhưng ba vẫn tâm sự với hai anh em tôi như thế. Nhiều người thắc mắc rằng, không hiểu vì sao ba của bạn lại hóa thân và “sành đời” đến vậy? Họ đâu biết rằng, vốn sống của ba tích lũy từ nước mắt, là những ngày tháng ôm hai con vào lòng mà khóc!

Ba tôi đó! Lúc nào cũng vậy, luôn mang lại cho người đối diện niềm vui, vì ba muốn người khác không buồn giống mình. Nhiều bạn bè chọc vui rằng, ba là chú gà trống thật cừ vì lúc nào cũng bảo vệ hai đứa con thơ. Trở lại vai trò “gà trống nuôi con”, tôi từng rơi nước mắt vì thương ba, vì hạnh phúc vì xót xa. Bạn biết không, ba tôi tất bật đi học, đi làm, đến giờ chiều lại phải xin thầy về sớm để đón hai con và chạy ra chợ mua từng bó rau, miếng thịt về làm cơm… Thương lắm! Hai con có thể ốm đau, nhưng ba kiên quyết không thể để chính bản thân ốm yếu được, vì ba sợ nằm ra đó ai sẽ lo cho các con, ai sẽ dạy dỗ các con. 

Ba từng tâm sự trên báo rằng: “phải làm cha đi rồi sẽ hiểu cảm giác và nỗi lo của tôi đến dường nào”. Quả đúng như vậy, ba lo không chỉ từng miếng cơm, tấm áo, mà còn dạy con cả về đạo đức, cách sống và cả những chuyện tâm lý, sinh lý tuổi mới lớn. Nghe đến đó, bạn bè ba ai cũng cười cho sự ngộ đời. Ba cũng cười, nhưng nụ cười đó tôi biết rằng rất đau… Phải, con trai, con gái lớn rồi mà!…

Viết về ba, một nghệ sĩ chân chính luôn vì bạn bè. Tôi không dám khẳng định ba hay các nghệ sĩ nào khác là chuẩn mực. Nhưng, xét về một góc nào đó, một khía cạnh nào đó họ vẫn có những không gian riêng thấm đẫm tình yêu thương. Với ba, tôi cảm nhận được ở ba những điều theo tôi là chuẩn mực. Liêu có được bao nhiêu người mẹ bình thường trong xã hội hiện đại chăm lo cho hai con ăn học nên người? Huống chi ba là một người đàn ông với nhiều hoài bão lớn? 

Những hôm lo cho ba mệt, tôi trò chuyện, động viên ba, ba vẫn thản nhiên và cười hiền lành. Ba nói hiện giờ ba chẳng nghĩ gì hơn. Hai con đều đã trưởng thành, con trai thì học đại học, con gái cũng sắp trở thành thiếu nữ. Ba chỉ hy vọng hai con hiểu được cái khó của cuộc sống mà phấn đấu vươn lên. Còn ba, ba chỉ mong được nhiều sức khỏe để say sưa xuất nhập vào vai diễn, lấy đó làm niềm vui, và cũng là chén cơm nghề của người nghệ sĩ đa đoan. Ba tôi mạnh mẽ lắm, nhưng cũng yếu lòng. Cũng phải thôi, ba là ba mà! Đâu thể hoàn thành xuất sắc công việc của người phụ nữ. Có lẽ vì vậy tôi cảm nhận được sự cố gắng đến chảy nước mắt của ba mỗi khi nhìn hai con khoe bảng thành tích ở trường. Thằng Long, bé Ty con của ba hiểu ba và bên cạnh ba như những người bạn cùng ba cười, cùng ba khóc. Ba cha con tôi hạnh phúc lắm! “Gà trống nuôi con” nên người, bằng tất cả tình yêu thương ấy liệu có được xem như chuẩn mực mà chương trình đang tìm hay không?

Người tham dự: Nguyễn Thành Long

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *