Ngày đầu về làm dâu, tôi rất lo sợ, không biết rồi số phận tôi sẻ như thế nào? Nếu chẳng may tôi làm dâu trong một gia đình chẳng ra gì. Nhưng không, mọi chuyện đến với tôi thật suông sẻ. Tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được về làm dâu của ba mẹ chồng tôi, một gia đình nề nếp và là tấm gương của những gia đình khác. Trong đó, phải kể đến ba chồng tôi vì ông luôn là trụ cột vững chắc, là một người đàn ông chuẩn mực nhất mà tôi từng biết.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, câu châm ngôn này luôn luôn đúng. Vai trò người đàn ông luôn được khẳng định ở mọi thời đại. Mỗi người có mỗi chuẩn mực và mỗi vai trò khác nhau. Riêng ba chồng tôi dù không làm quan to chức lớn trong xã hội, nhưng tôi vẫn thấy nơi ông toát lên một sự chuẩn mực của người đàn ông. Tôi được nghe từ mẹ chồng tôi kể lại. Khi xưa gia đình rất khó khăn. Ba mẹ tôi mới cưới nhau trong nhà chẳng có cái gì gọi là đáng giá, một mái nhà tranh vách đất trên mảnh vườn của ông nội. Ba mẹ tôi lúc thì buôn đười ươi khi thì buôn trà, cuộc sống bấp bên nhưng hạnh phúc, cho đến một ngày mẹ tôi có thai là đứa con đầu tiên. Lúc này ba tôi tự nhận thấy cuộc sống gia đình cần được thay đổi và ba tôi đã hiểu điều đó rất cần thiết và quan trọng. Mẹ tôi đã trao hết tài sản gia đình cho ba để ông xuống Sài Gòn tìm học một cái nghề gì đó coi như là niềm hy vọng duy nhất của gia đình.
Sau khi đặt chân đến mảnh đất đông đúc và xa lạ, sau một ngày, ông đã định cho mình được hướng tốt nhất là học nghề sửa đồng hồ và… thật bất ngờ sau đó, một tháng ông về nhà, mang trong mình lòng tin mạnh mẽ. Sự tự tin của ba tôi đã giúp ông ấy có một cửa tiệm đồng hồ duy nhất trong vùng. Nhờ quy luật “không có đối thủ canh tranh” trong kinh doanh mà ba mẹ tôi đã thoát khỏi sự “bấp bênh” trước khi chị tôi ra đời. Niềm vui mừng khôn xiết của người đàn ông lần đầu được làm cha thật lớn lao. Nhờ vậy, sự quyết tâm của ông càng thêm mạnh mẽ.
Niềm hạnh phúc kéo dài chưa trọn sáu tháng thì tai hoạ đã ập đến gia đình chồng tôi. Chị tôi bị bệnh nặng và bao nhiêu tài sản trong nhà cũng lần lượt ra đi nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng của chị tôi. Sự mất mát lớn lao, sự đau khổ tột cùng tưởng chừng như ba mẹ tôi không thể nào đứng lên được. Rồi thời gian trôi qua, quá khứ cũng đã dần nhoà. Ba mẹ tôi bắt đầu gầy dựng lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng. Hai năm sau thì người con thứ hai của ba mẹ tôi ra đời đó là chồng tôi. Kể từ đó, gia đình tôi đầy ắp những tiếng cười… tràn ngập niềm hạnh phúc.
Sau nhiều năm nỗ lực, cuối cùng gia đình tôi đã có một căn nhà riêng là nhờ sự nỗ lực của ba và sự cần kiệm của mẹ. Ba tôi tự tin và luôn có sự giải quyết trong mọi hoàn cảnh. Ba tôi là người đàn ông không có địa vị trong xã hội nhưng đối với gia đình thì ông rất mực thương yêu chăm sóc và dạy dỗ con cái đúng mực. Khi tôi về làm dâu ông, ông thương tôi như con gái, bạn bè tôi thường hay ganh tỵ với tôi vì tôi được gia đình nhà chồng rất mực thương yêu, không bị mang tiếng là mẹ chồng con dâu, hay chị dâu em chồng. Gia đình tôi hoà thuận, thương yêu nhau, chăm sóc cho nhau. Tôi được ba mẹ chồng dạy dỗ như một người con trong gia đình. Và chính nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ của ba mẹ tôi mà bây giờ tôi có được người chồng thành đạt. Anh là người chồng hoàn hảo nhất đối với tôi. Tôi thật may mắn đúng không các bạn? Chắc có lẽ chồng tôi được thừa hưởng từ ba tôi, một người chồng, một người cha đúng mực. Thầm cảm ơn ba mẹ tôi đã cho tôi một người chồng tuyệt vời đến thế.
Lời cuối của bài viết, xin được tôn vinh người đàn ông “chuẩn mực” …” Ba chồng” tôi.
Người tham dự: Lê Thị Hồng Vân